Lịch sử hình thành và phát triển của TTYT Cẩm Mỹ
Lịch sử hình thành và phát triển
Bệnh viện Đa khoa huyện Cẩm Mỹ được nối tiếp hoạt động liên tục từ ngày thành lập huyện Cẩm Mỹ năm 2004 trên cơ sở chia tách 7 xã của TX. Long Khánh và 06 xã của huyện Xuân Lộc. Từ ngày đầu thành lập, cơ sở cũ đặt tạm Phòng khám ĐKKV Nhân Nghĩa với cái tên tiền thân trước khi Bệnh viện ra đời đó là Trung tâm Y tế Cẩm Mỹ. Sau hai lần chia tách cái tên Bệnh viện Đa khoa huyện Cẩm Mỹ chính thức được ra đời từ tháng 3/2007 và phát triển đến ngày nay.
Được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, Bệnh viện được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khang trang, tọa lạc ngay khu vực Trung tâm hành chính huyện, rất thuận lợi cho nhân dân địa phương đến khám và chữa bệnh. Cơ sở mới được đưa vào sử dụng từ tháng 9/2010 với 04 khu nhà hai tầng, 03 khu nhà trệt với quy mô 155 giường bệnh, 12 khoa phòng, phòng mổ hiện đại cùng nhiều trang thiết bị tiên tiến phục vụ cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng.
Đến tháng 11/2017, Trung tâm Y tế huyện Cẩm Mỹ được thành lập theo Quyết định số 3327/QĐ-UBND ngày 14/10/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai trên cơ sở hợp nhất Bệnh viện Đa khoa và TTYT huyện và Quyết định số 541/QĐ-UBND ngày 23/02/2017 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc sửa đổi, bổ sung Điều 1, Điều 3 Quyết định số 3327/QĐ-UBND ngày 14/10/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai.
Đến nay, toàn đơn vị có 04 phòng chức năng, 12 khoa chuyên môn, 13 Trạm Y tế xã và 01 Phòng Khám ĐKKV Sông Ray. Về cơ bản, công tác sắp xếp tổ chức, bộ máy của TTYT huyện bước đầu đi vào hoạt động ổn định, kịp thời và đảm bảo công tác khám, chữa bệnh hàng ngày cho nhân dân trên địa bàn huyện, công tác y tế dự phòng và y tế xã.
Trung tâm Y tế huyện Cẩm Mỹ là một trong những Bệnh viện “ít tuổi đời” hơn so với hầu hết các bệnh viện tại Đồng Nai. Với phương châm “Người bệnh là đối tượng trung tâm của sự phục vụ, là mục đích phát triển của Trung tâm Y tế”, trong những năm qua, tập thể Trung tâm Y tế luôn hết mình vì bệnh nhân; thường xuyên học tập nâng cao trình độ chuyên môn, trau dồi y đức, tinh thần thái độ phục vụ, rèn luyện kỹ năng giao tiếp ứng xử với người bệnh và người nhà người bệnh. Giờ đây, Trung tâm Y tế sớm trở thành địa chỉ chăm sóc sức khỏe đáng tin cậy của người dân trong huyện và những vùng lân cận.
Mục tiêu chất lượng
- Đảm bảo người bệnh được cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh đạt mức độ an toàn cao nhất.
- Đảm bảo người bệnh được cung cấp đúng chỉ định về kỹ thuật cận lâm sàng, chẩn đoán và điều trị.
- Đảm bảo người bệnh và thân nhân hài lòng về điều trị và chăm sóc phục vụ tại Bệnh viện.
- Đảm bảo khoa/phòng có kế hoạch và triển khai thực hiện cải tiến chất lượng hàng năm tại khoa/phòng.
- Đảm bảo trang thiết bị đạt tiêu chuẩn kiểm định về tiêu chuẩn đo lường của Bộ Y tế.
- Đảm bảo nhân viên bệnh viện đạt mức chuyên nghiệp về kỹ năng giao tiếp ứng xử và năng lực kỹ thuật chuyên môn.
Cam kết thực hiện
- Đầu tư trang thiết bị thiết yếu và hiện đại phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh tại Bệnh viện.
- Có chính sách thu hút nhân tài, thực hiện tốt công tác đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực nhằm nâng cao tay nghề, kỹ năng nghiệp vụ cho nhân viên của Bệnh viện.
- Thực hiện đúng Quy định chuyên môn, Quy định về giao tiếp ứng xử, luôn lắng nghe ý kiến của người bệnh và thân nhân, có biện pháp khắc phục kịp thời, đề ra những giải pháp tối ưu nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác chăm sóc và điều trị.
- Thực hiện liên tục và không ngừng cải tiến chất lượng Bệnh viện theo Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng Bệnh viện do Bộ Y tế ban hành.
Thành tích thi đua
Năm 2016, đơn vị được cờ thi đua xuất sắc hạng Nhì cụm các đơn vị tuyến huyện năm 2016
Định hướng phát triển
Giai đoạn 2017 – 2020
- Phấn đấu đạt tiêu chuẩn Trung tâm Y tế Đa khoa hạng III có 300 giường bệnh với đầy đủ 04 Phòng chức năng và 15 Khoa theo đúng Quy định tại Thông tư số 37/2016/TT-BYT (trong có 03 khoa thuộc khối dự phòng), thực hiện được trên 90% kỹ thuật phân tuyến của tuyến huyện.
- Chia tách khoa Ngoại – sản, khoa Nội – Nhi thánh khoa Ngoại tổng hợp, khoa chăm sóc sức khỏe sinh sản, khoa nội tổng hợp, khoa Nhi.
- Nâng cao năng lực khám bệnh, chữa bệnh thông qua việc tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật thông qua đề án 1816, đến năm 2020 đạt các chỉ tiêu cụ thể sau:
-
- Về đào tạo: 100% Y sỹ được cử đi đào tạo bác sĩ, 30% bác sĩ hiện có được cử đi đào tạo sau đại học, bác sĩ sản khoa và ngoại khoa được tiếp nhận các kỹ thuật mới từ các đơn vị tuyến trên thông qua đề án 1816.
- Thực hiện được một số kỹ thuật chuyên sâu, chất lượng cao về một số lĩnh vực như sản khoa, nhi khoa, chấn thương chỉnh hình, mắt, bệnh nội tiết, y học cổ truyền, phục hồi chức năng, xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh.
- Nâng cao chất lượng chuyên môn, chất lượng chăm sóc toàn diện, phát triển được nhiều kỹ thuật mới và kỹ thuật vượt tuyến, giảm 30% tỷ lệ bệnh nhân chuyển lên tuyến trên so với năm 2016.
- Thực hiện tốt giao tiếp ứng xử, tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh và gia đình người bệnh.
- Phát triển và duy trì Phòng An toàn sinh học đạt cấp độ I.
- Sửa chữa, đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, phương tiện, công nghệ thông tin để việc chuyển giao, tiếp nhận kỹ thuật có hiệu quả và bền vững.
Giai đoạn 2020 – 2030
- Phấn đấu đạt 600 giường với trên 30 khoa, phòng; thực hiện 100% kỹ thuật phân tuyến của Trung tâm Y tế Đa khoa hạng III.
- Số lượng cán bộ viên chức đáp ứng tỷ lệ và cơ cấu cán bộ theo Thông tư 08/2007/TTLT-BYT-BNV ngày 05/6/2007 của liên Bộ Y tế – Nội vụ và Nghị định số 41/2012/NĐ-CP ngày 08/5/2012 của Chính phủ quy định về vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập.
- Chia tách và thành lập khoa Y học cổ truyền – Phục hồi chức năng, thành lập mới khu Thăm dò chức năng và Liên chuyên khoa Mắt – Răng hàm mặt – tai mũi họng. Phát triển chuyên sâu về sản khoa, nhi khoa, ngoại khoa, y học cổ truyền và phục hồi chức năng.
- Đào tạo được ít nhất 03 kíp phẫu thuật về ngoại khoa, sản khoa.
- Nâng cao chất lượng chuyên môn, chất lượng chăm sóc toàn diện, phát triển được nhiều kỹ thuật mới và kỹ thuật vượt tuyến, giảm 50% tỷ lệ bệnh nhân chuyển lên tuyến trên so với năm 2016.- Phát triển Phòng An toàn sinh học từ cấp độ I lên cấp độ II.
- Công tác khám chữa bệnh hoàn thành và vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch.
- Quản lý toàn đơn vị toàn diện bằng phần mềm công nghệ thông tin.